Tái thiết Thaddeus_Stevens

Vấn đề tái thiết miền Nam

Trong lúc Quốc hội vẫn bàn luận cách tổ chức lại Hoa Kỳ sau chiến tranh, số phận của những người nô lệ được thả tự do và những người miền Nam phiến loạn vẫn chưa định đoạt.[93][94] Stevens phát biểu rằng việc cần thiết là phải "tái tổ chức căn bản các cơ quan, tập quán, và kiểu cách của miền Nam".[95] Stevens, Sumner và những người cấp tiến khác cho rằng các tiểu bang miền Nam cần được đối xử như những tỉnh bị chinh phục, không còn quyền hiến pháp nào. Ngược lại, Lincoln nói rằng chỉ có những cá nhân, không phải những tiểu bang đã phiến loạn.[96] Tháng 7 năm 1864, Stevens thúc giục Lincoln ký Dự luật Wade–Davis đòi hỏi ít nhất một nửa số lượng cử tri trước chiến tranh của mỗi tiểu bang phải tuyên thệ trung thành thì tiểu bang đó mới được tái gia nhập. Lincoln có chủ trương khoan hồng hơn, chỉ muốn đòi hỏi 10%, nên đã phủ quyết dự luật bằng cách không ký và để nó hết hạn.[97]

Stevens miễn cưỡng ủng hộ Lincoln trong Đại hội Đảng Liên hiệp Quốc gia, một liên minh giữa Đảng Cộng hòa và những đảng viên Dân chủ ủng hộ Liên bang miền Bắc. Ông muốn bỏ phiếu cho đương kim Phó tổng thống là Hannibal Hamlin làm người đồng hành với Lincoln trong cuộc tranh cử năm 1864, nhưng đoàn đại biểu tiểu bang Pennsylvania đã bỏ phiếu cho ứng cử viên được Lincoln đề bạt là Thống đốc Quân sự của Tennessee Andrew Johnson, một đảng viên Dân chủ ủng hộ miền Bắc từng là Thượng nghị sĩ Tennessee và được bầu làm thống đốc. Stevens cảm thấy ghe tởm khi Johnson được đề cử, phàn nàn rằng, "ta không thể tìm được một ứng cử viên Phó Tổng thống mà không cần phải xuống một tỉnh phiến loạn đáng nguyền rủa hay sao?"[98] Stevens đã vận động cho liên danh Lincoln–Johnson; chiến dịch này thành công và Stevens cũng được thêm một nhiệm kỳ trong Hạ viện.[99] Tháng 1 năm 1865, khi Quốc hội hay tin Lincoln từng có nỗ lực đàm phán hòa bình với các lãnh đạo miền Nam, Stevens giận dữ tuyên bố rằng nếu cử tri Mỹ có thể bỏ phiếu lại, họ sẽ bầu Tướng Benjamin Butler thay vì Lincoln.[100]

Kế hoạch Tái thiết của tổng thống

Trước khi rời khỏi thủ đô sau khi Quốc hội giải tán cuộc họp vào tháng 3 năm 1865, Stevens đã gặp riêng Lincoln và thúc giục vị tổng thống ép chặt miền Nam về mặt quân sự, dù chiến tranh đã sắp kết thúc. Lincoln trả lời "Stevens à, đây là một con lợn thật lớn mà chúng ta đang cố gắng bắt và giữ yên khi bắt được. Chúng ta phải cẩn thận để nó không tuột khỏi tầm tay."[101] Đây là lần cuối cùng Stevens gặp mặt Lincoln; Stevens ra đi với ấn tượng nghe được "một ẩn dụ giản dị nhưng không chắc chắn để lại một dấu vết gì trong chính sách của Lincoln".[102] Vào tối ngày 14 tháng 4 năm 1865, Lincoln bị người ủng hộ miền Nam là John Wilkes Booth ám sát. Stevens không tham gia các lễ nghi khi tàu tang của Lincoln dừng lại tại Lancaster; lúc đó ông được cho là đang đau ốm. Trefousse thì đưa giả thuyết rằng ông có lẽ đã tránh các lễ nghi vì các lý do khác. Theo nhà viết tiểu sử về Lincoln là Carl Sandburg, Stevens đã đứng tại một cầu đường sắt và giở mũ chào.[103]

Tháng 5 năm 1865, Andrew Johnson bắt đầu chính sách được gọi là "Tái thiết Tổng thống": công nhận chính quyền lâm thời ở Virginia do Francis Harrison Pierpont lãnh đạo, và kêu gọi các tiểu bang từng phiến loạn tổ chức các cuộc hội nghị lập hiến, tuyên bố ân xá đối với nhiều người miền Nam, và ra lệnh ân xá một số cá nhân khác. Johnson không đòi hỏi các tiểu bang bảo vệ quyền những người nô lệ được thả tự do, và ngay lập tức làm mất tác dụng các chính sách cải cách ruộng đất của Cục cho Người tự do (Freedmen's Bureau). Những hành động này làm Stevens và những người cùng quan điểm vô cùng tức giận. Những người cấp tiến thấy rằng những người mới được trao tự do có nguy cơ mất tự do kinh tế và chính trị cần thiết để duy trị sự giải phóng từ chế độ nô lệ. Họ bắt đầu kêu gọi trao quyền bỏ phiếu cho tất cả mọ người đàn ông và tiếp tục các đòi hỏi cải cách ruộng đất.[104][105]

Stevens viết thư cho Johnson nói rằng các chính sách của ông đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho đất nước và kêu gọi ông triệu hồi Quốc hội, vốn đã giải tán đến tháng 12. Khi những lời nói của mình bị phớt lờ, Stevens bắt đầu thảo luận với những người cấp tiến khác cách đối phó với Johnson một khi hai viện họp lại. Theo Hiến pháp, Quốc hội có quyền xét đoán những thành viên của mình có đủ tư cách không; Stevens kêu gọi không cho phép bất cứ nghị sĩ miền Nam nào nhậm chức.[106] Ông lập luận rằng các tiểu bang không nên được tái gia nhập vì nếu vậy thì sau này Quốc hội sẽ không còn đủ sức mạnh để thực hiện các cải cách về chủng tộc.[107]

Vào tháng 9, Stevens đã đọc một diễn văn tại Lancaster được in lại nhiều lần, trong đó ông đưa ra những yêu sách của mình đối với miền Nam. Ông đề xuất chính quyền tịch thu đất đai của 70.000 địa chủ lớn nhất, những người sở hữu hơn 200 mẫu Anh (81 ha). Phần lớn các tài sản này ông muốn phân chia ra cho những người mới được thả tự do, mỗi hộ một mảnh có diện tích 40 mẫu Anh (16 ha); phần còn lại chia cho những người trung thành ở cả hai miền Bắc Nam, hoặc để trả nợ chính phủ. Ông cảnh báo rằng dưới kế hoạch của Tổng thống, các tiểu bang miền Nam sẽ gửi những kẻ phiến loạn vào Quốc hội và họ sẽ cấu kết với những đảng viên Dân chủ ở miền Bắc và Johnson để cai trị quốc gia và có thể xóa bỏ giải phóng[108]

Đến cuối năm 1865, các tiểu bang miền Nam đã chỉ cho phép người da trắng bỏ phiếu, và trong các cuộc bầu cử Quốc hội, đã bầu chọn nhiều cựu quân phiến loạn, trong đó có Phó tổng thống Liên minh miền Nam Alexander Stephens được cơ quan lập pháp Georgia chọn làm thượng nghị sĩ. Bạo lực chống lại người Mỹ gốc Phi diễn ra thường ngày ở miền Nam và không bị trừng phạt; các cơ quan lập pháp mới này đã thông qua các đạo luật tước đi hầu hết mọi quyền công dân của những người mới thoát được ách nô lệ. Những hành động này được xem là khiêu khích đối với miền Bắc, đã khiến Johnson phải lo ngại và cũng góp phần xoay chuyển dư luận miền Bắc chống lại tổng thống.[106] Stevens tuyên bố rằng "Đây không phải là 'Chính quyền của người da trắng'! ... Nói vậy là một sự báng bổ chính trị, vì nó vi phạm những nguyên lý cơ bản của nguyên tắc tự do của chúng ta."[109]

Kế hoạch Tái thiết của Quốc hội

Stevens với vẻ mặt trầm ngâm

Đến lúc này, Stevens đang ở độ tuổi thất tuần và sức khỏe đã suy yếu; ông phải được khiêng đi mọi nơi bằng một chiếc ghế đặc biệt. Khi Quốc hội mở khóa họp mới đầu tháng 12 năm 1865, Stevens đã có sắp xếp với thư ký Hạ viện để khi điểm danh các dân biểu thì bỏ qua tên những người được bầu từ miền Nam. Thượng viện cũng có hành động tương tự đối với những người muốn vào từ miền Nam. Một tân dân biểu là Rutherford B. Hayes từ Ohio, miêu tả Stevens: "Ông ta hoàn toàn cấp tiến, trừ cái điều là theo tôi biết thì ông ta không ủng hộ việc treo cổ. Ông ta là nhà lãnh đạo."[110]

Vì các nhiệm vụ của chủ tịch Ủy ban Tài chính đã được phân chia, Steven đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Ủy ban Phân bổ Ngân sách Hạ viện và vẫn giữ quyền sắp đặt trình tự chương trình Hạ viện.[111] Stevens chú trọng vào các dự luật nhằm bảo đảm các quyền tự do mà Tu chính án 13 vừa thông qua đã hứa hẹn.[112] Ông đề xuất rồi chủ tọa Ủy ban Lưỡng viện về Tát thiết cùng Thượng nghị sĩ từ Maine là William Pitt Fessenden.[113] Cơ quan này, còn gọi là Ủy ban 15 Người (Committee of Fifteen), đã điều tra tình trạng tại miền Nam. Ủy ban đã nghe kể về các hành động bạo lực chẳng những chống người Mỹ gốc Phi, mà còn chống lại những người trung thành với Liên bang miền Bắc, và những người bị người miền Nam gọi là "carpetbagger", tức những người miền Bắc di cư đến miền Nam sau khi hòa bình lập lại. Stevens tuyên bố "những người anh em trung thành của chúng ta ở miền Nam, bất kể da trắng hay da đen" cần được bảo vệ cấp bách "khỏi những kẻ man rợ nay đang giết họ hàng ngày".[112]

Ủy ban 15 Người bắt đầu cân nhắc dự luật mà sau này trở thành Tu chính án 14. Stevens đã bắt đầu soạn thảo từ tháng 12 năm 1865, ngay trước khi Ủy ban thành lập.[114] Vào tháng 1 năm 1866, một tiểu ban bao gồm Stevens và John Bingham đề xuất hai tu chính án: tu chính án thứ nhất trao Quốc hội toàn quyền bảo đảm cho tất cả các công dân quyền, đặc quyền, và sự bảo vệ bằng nhau; tu chính án thứ hai dứt khoát bãi bỏ tất cả các đạo luật phân biệt đối xử.[115] Stevens tin rằng dù Tuyên ngôn độc lập và các Đạo luật Cơ bản (Organic Acts) đã ràng buộc chính quyền liên bang với các nguyên lý này, nhưng một tu chính án vẫn cần thiết để thi hành chống lại phân biệt đối sử ở cấp tiểu bang.[116] Nghị quyết mà sau này trở thành Tu chính án thứ 14 đã bị giảm bớt tại Quốc hội; trong cuộc tranh luận lần cuối, Stevens phát biểu rằng những thay đổi này đã làm tan vỡ ước vọng của cả cuộc đời mình để mang lại bình đẳng cho tất cả mọi người Mỹ.[117][118] Tuy vậy, ông tuyên bố rằng mình đang sống với con người chứ không phải các thiên thần, nên ông đã ủng hộ tu chính án đã được thỏa hiệp.[119] Tuy thế, Stevens phát biểu tại Hạ viện: "Bốn mươi mẫu đất và một ngôi chòi sẽ có giá trị đối với [người Mỹ gốc Phi] nhiều hơn so với quyền bỏ phiếu ngay lập tức."[120]

Dựa theo một lời trao đổi giữa Johnson và những người la ó trong vận động "Xoay quanh vòng tròn", phần tranh biếm họa này của Thomas Nast cho thấy Johnson đang ân xá Davis trong lúc Stevens và Wendell Phillips đang bị treo cổ ở đằng sau.

Khi Thượng nghị sĩ từ Illinois Lyman Trumbull đề xuất dự luật nhằm tái cấp quyền và mở rộng Cục cho Người tự do, Stevens cho rằng dự luật này là một "vụ cướp" vì nó không có đầy đủ những điều khoản để cải cách ruộng đất hay bảo vệ tài sản của những người di cư được chính quyền quân sự chiếm đóng ở miền Nam trao cho.[121] Dù sao thì Johnson cũng đã phủ quyết dự luật này, cho rằng Cục cho Người tự do là vi hiến và chỉ trích chi phí của nó: Quốc hội chưa từng mua đất, thành lập trường học, hay trợ cấp "người của chúng ta".[122][123] Quốc hội không có đủ phiếu để vượt qua hành động phủ quyết của Johnson vào tháng 2, nhưng năm tháng sau lại thông qua một dự luật tương tự. Stevens chỉ trích Đạo luật Nhà ở miền Nam 1866 được thông qua, cho rằng đất hạng xấu mà đạo luật cung cấp không thúc đẩy được sự phát triển kinh tế cho các hộ người da đen.[121]

Quốc hội đã vượt qua phủ quyết của Johnson để thông qua Đạo luật Dân quyền 1866 (cũng do Trumbull đề xuất), trao quyền công dân và quyền bình đẳng trước luật pháp cho người Mỹ gốc Phi, và cấm các hành động trái lại từ chính quyền một tiểu bang nào. Khoảng cách giữa Johnson và Quốc hội càng lớn thêm khi ông cáo buộc rằng Stevens, Sumner, và Wendell Phillips đang cố gắng phá hủy chính phủ.[124]

Sau khi Quốc hội giải tán vào tháng 7, chiến dịch cho cuộc bầu cử mùa thu lại bắt đầu. Johnson tiến hành một chuyến đi bằng đường sắt, được gọi là "Xoay quanh vòng tròn" (Swing Around the Circle), nhưng không mang lại cho ông nhiều người ủng hộ; những cuộc tranh luận giữa ông và những người la ó chất vấn bị xem là làm mất thể thống. Ông tấn công Stevens và những nhân vật cấp tiến khác trong chuyến đi này. Stevens thì vận động cho những biện pháp cứng rắn đối với miền Nam, và quan điểm ông được củng cố do những sự kiện bạo động ở MemphisNew Orleans, nơi những người Mỹ gốc Phi và người da trắng trung thành với Liên bang miền Bắc bị những đám đông tấn công, kể cả cảnh sát. Stevens được cử tri bầu lại vào Quốc hội; Đảng Cộng hòa giành được tỷ lệ đa số 2/3 trong cả hai viện trong khóa Quốc hội kế tiếp.[125]

Kế hoạch Tái thiết của nhóm Cấp tiến

Tháng 1 năm 1867, Stevens đề xuất các dự luật nhằm phân chia miền Nam thành năm hạt, một hạt do một tướng lĩnh quân đội chỉ huy, có quyền cao hơn chính quyền dân sự. Những chỉ huy quân sự này có nhiệm vụ giám sát các cuộc bầu cử để bảo đảm tất cả những người phái nam, bất kể thuộc chủng tộc nào, đều có quyền bỏ phiếu, trừ những người không thể tuyên thệ rằng họ chưa từng ủng hộ Liên minh miền Nam – hầu hết những người dân da trắng miền Nam không thể đáp ứng yêu cầu này. Những tiểu bang đó phải phác thảo những hiến pháp mới (phải được Quốc hội phê chuẩn) và tổ chức bầu cử những viên chức tiểu bang. Chỉ khi tiểu bang nào thông qua Tu chính án thứ 14 thì đoàn nghị sĩ của tiểu bang đó mới được cho phép nhậm chức tại Quốc hội.[126] Hệ thống này trao quyền cho một liên hiệp trong Đảng Cộng hòa giữa những người cựu nô lệ mới được thả tự do (được Hội Liên bang huy động), những carpetbagger, và những người dân miền Nam cộng tác (những người này bị những người bất tuân gọi mỉa mai bằng tên gọi scalawag) tại hầu hết các tiểu bang miền Nam.[127] Tu chính án thứ 14 được các tiểu bang này thông qua rồi có hiệu lực vào giữa năm 1868.[128]

Stevens đề xuất một Đạo luật Nhiệm kỳ Chức vụ, đòi hỏi tổng thống nhận sự phê chuẩn của Thượng viện để sa thải những viên chức từng được Thượng viện phê chuẩn cho chức vụ đó. Đạo luật này có điều mơ hồ vì có thể hiểu được chỉ bảo vệ những viên chức trong nhiệm kỳ của tổng thống đã bổ nhiệm họ, và hầu hết những viên chức mà phe cấp tiến muốn bảo vệ là do Lincoln bổ nhiệm. Quan trọng nhất trong số những viên chức đó là Bộ trưởng Chiến tranh Edwin Stanton, vốn là một thành viên phe cấp tiến.[129]

Stevens dẫn lái một dự luật thông qua Hạ viện nhằm trao quyền bỏ phiếu cho người Mỹ gốc Phi ở quận Columbia; dự luật được Thượng viện thông qua vào năm 1867, và được ban hành dù bị Johnson phủ quyết. Quốc hội đang cắt giảm Lục quân trong thời bình; Stevens đưa ra một đề xuất sửa đổi để cho thêm hai trung đoàn kỵ binh người Mỹ gốc Phi – đề xuất này được chấp thuận và được thông qua với đạo luật. Mối quan tâm của ông đối với người Mỹ gốc Phi cũng được mở rộng đối với người thổ dân; Stevens đã ngăn chặn một dự luật nhằm đặt các khu vực dành riêng cho người da đỏ dưới luật tiểu bang, ghi nhận rằng những người thổ dân thường bị các tiểu bang lạm dụng.[130] Là một người theo chủ nghĩa bành trướng, ông ủng hộ các công ty đường sắt.[131] Ông thêm một điều kiện trong Đạo luật Đường sắt Lục địa Thái Bình Dương (Pacific Railroad Act) đòi hỏi các công ty đường sắt phải mua sắt "do Mỹ sản xuất" ở giá chất lượng hàng đầu.[132] Dù ông cố gắng hỗ trợ những nhà sản xuất bằng cách đánh thuế nhập khẩu cao, ông đã không thành công trong nỗ lực thông qua một dự luật bảo vệ lao động với ngày làm việc dài 8 giờ ở quận Columbia. Stevens cũng đã đề xuất một dự luật tăng lương nhân viên chính phủ, nhưng không thành công.[133]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thaddeus_Stevens http://www.britannica.com/EBchecked/topic/565949 http://www.historynet.com/thaddeus-stevens.htm http://jacobinmag.com/2012/11/lincoln-against-the-... http://search.proquest.com/docview/304361240 http://digitalcommons.buffalostate.edu/cgi/viewcon... http://housedivided.dickinson.edu/sites/emancipati... http://www.gettysburg.edu/about/college_history/ http://quod.lib.umich.edu/j/jala/2629860.0021.104?... http://bioguide.congress.gov/scripts/biodisplay.pl... http://bioguide.congress.gov/scripts/guidedisplay....